Diễn đàn làm Đẹp Làn da đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ các cơ quan của cơ thể, điều hòa thân nhiệt. Làn da không chỉ biểu hiện của vẻ đẹp mà nó còn là 'tiếng nói' sức khỏe từ bên trong cơ thể mỗi người. Nhờ thay đổi lối sống như tập thiền, ngủ đủ giấc, chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa, cắt giảm đường, cười nhiều hơn,..., bạn sẽ mãi trẻ trung và xinh đẹp. Khi nghĩ về các cơ quan trong cơ thể, bạn thường nghĩ tới tim, phổi, thận... trước tiên. Thế nhưng có một cơ quan chiếm diện tích lớn nhất trong cơ thể và dễ nhận biết nhất, đó chính là làn da. Ngoài là biểu tượng cho vẻ đẹp cơ thể, như câu thành ngữ "Nhất dáng, nhì da, thứ ba gương mặt", làn da còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể bạn khỏi những tác nhân gây hại và giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể. Vai trò của làn da Làn da chiếm khoảng 15% trọng lượng cơ thể, chuyên gia da liễu Barry Goldman tại New York cho biết. "Làn da không chỉ bao bọc cơ thể mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây là một hệ cơ quan rất phức tạp và có nhiều chức năng đối với cơ thể", TS. Kemunto Mokaya, tác giả của cuốn sách "Live and Look Younger" (Sống trẻ hơn) cho biết. Làn da được coi là "siêu anh hùng" bảo vệ cơ thể bởi những chức năng dưới đây: Làn da tạo ra miễn dịch cơ thể Bao phủ và bảo vệ các cơ quan nội tạng Ra mồ hôi (để thải độc tố, làm mát cơ thể) Tổng hợp vitamin D Tạo ra sắc tố melanin Hình thành nên các giác quan, đặc biệt là xúc giác. Cho phép chúng ta cảm nhận cấu trúc qua sờ, cảm nhận nhiệt độ, vị giác (da lưỡi),... 1. Làn da bảo vệ chúng ta khỏi những tác nhân gây hại Lớp ngoài cùng của làn da, còn gọi là lớp biểu bì được coi như cửa ngõ phòng vệ của cơ thể, theo nghĩa đen. Bởi làn da giúp bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi các tác nhân bên ngoài, chẳng hạn như virus, vi khuẩn,... xâm nhập cơ thể. Khi da bạn lành lặn, làn da có thể ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên, nếu da bị tổn thương, trầy xước hay chảy máu, virus hay vi khuẩn có thể theo đó xâm nhập cơ thể gây ra nhiễm trùng. Theo một nghiên cứu năm 2020, các tế bào da có khả năng "tập hợp và truyền tín hiệu" miễn dịch nhằm giúp cơ thể phòng vệ và tấn công mầm bệnh. Da cũng chứa các tế bào sừng biểu bì, đây là loại tế bào tạo ra các protein và peptide có công dụng kháng khuẩn, kháng nấm và các đặc tính kháng virus khác. Các tuyến bã nhờn cũng tiết ra dầu tạo thêm một lớp bảo vệ chống lại các tác nhân lạ. Ngoài ra, chất dầu do da tiết ra còn giúp cho làn da trở nên mềm mại và mịn màng. 2. Làn da: "tấm khiên" bảo vệ cơ, xương, cơ quan nội tạng và hệ thần kinh Lớp da không chỉ chứa các tế bào bạch cầu có tác dụng miễn dịch mà bản thân làn da còn là một cơ quan bảo vệ cơ thể. Làn da bao gồm 3 lớp: biểu bì (ngoài cùng), trung bì (ở giữa) và lớp dưới da. Lớp dưới cùng của da chứa các mô mỡ có công dụng giảm xóc tự nhiên, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị tổn thương khi va chạm. Xem thêm: https://seoulacademy.edu.vn/khoa-hoc-cham-soc-da-chuyen-nghiep 3. Da tiết ra mồ hôi Cơ thể chúng ta tiết ra mồ hôi không chỉ sau khi vận động mạnh như lao động thể chất, tập thể dục,...mà còn khi trời quá nóng nhằm làm mát cơ thể. "Mồ hôi còn có tác dụng làm mát da, điều hòa thân nhiệt cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi bị sốc nhiệt", chuyên gia da liễu Kemunto Mokaya cho biết. Một nghiên cứu năm 2011 chỉ ra mồ hôi là cách để loại bỏ BPA (hóa chất thường có trong nhựa, túi nylong) ra khỏi máu. Tuy nhiên, một báo cáo khoa học vào năm 2019 vẫn còn hoài nghi, kêu gọi cần thêm nghiên cứu để xác định xem liệu mồ hôi có đóng vai trò trong việc loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể hay không.