Diễn đàn làm Đẹp Đoạn trừ phiền não do kham nhẫn Kham nhẫn nghĩa là chịu đựng. Phương pháp này giúp chúng ta tăng khả năng chịu đựng, cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách để đoạn trừ phiền não. Thí dụ, nếu chúng ta đi đến một xứ sở quá nóng hoặc quá lạnh so với nơi ta ở, chắc chắn ta sẽ thấy trong người khó chịu và sinh phiền não. Tại sao như vậy? Vì khả năng thích ứng của chúng ta sẽ không bằng người dân bản xứ. Người ở xứ nào thì chịu được thời tiết của xứ đó, do từ nhỏ đến lớn họ đã quen với việc chịu đựng khí hậu đó rồi, nên cũng ít bị phiền não hơn. Cũng vậy, khi sống gần những người thường hay nói khích, nói nặng hoặc hay la mắng, nếu không biết kham nhẫn, chúng ta sẽ dễ nổi sân. Nếu cả hai đều sân hận như vậy thì bên nào cũng bị phiền não và đau khổ. Ngược lại, nếu chúng ta biết kham nhẫn thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Người xưa thường nói: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Kham nhẫn sẽ giúp tâm chúng ta bình lặng. Kham nhẫn trước những tác động của ngoại cảnh đã khó, nhưng để có thể kham nhẫn trước những ham muốn của nội tâm còn khó khăn hơn. Chẳng hạn, chúng ta bị nghiện rượu, nghiện thuốc lá. Khi hiểu được tác hại nghiêm trọng của rượu và thuốc lá đến bản thân, gia đình và xã hội, chúng ta cố gắng từ bỏ. Nhưng hằng ngày chúng ta sử dụng quen rồi, không dùng nữa sẽ cảm thấy rất khó chịu, nên không thể bỏ ngay được mà phải tập từ từ. Trước đây, mỗi ngày mình uống một xị, hút một bao, giờ giảm xuống còn một nửa thôi, rồi dần dần không sử dụng liên tục nữa mà vài ngày mới dùng một lần, cuối cùng là bỏ hẳn. Dân gian có câu: “Ăn quen khó nhịn, nhịn hoài cũng quen”. Trước bất kỳ phiền não nào, nếu biết chịu đựng, nhất định sẽ có ngày chúng ta vượt qua nó. Người học Phật cần phải biết kham nhẫn, từ từ vượt qua những khó khăn, thử thách để tiến bộ hơn trên con đường tu tập. Lúc mới bắt đầu tu, mỗi khi ngồi tụng kinh, niệm Phật, chúng ta thường cảm thấy khó chịu vì bình thường mình không ngồi yên lâu, nay phải ngồi tới một tiếng. Nếu không biết kham nhẫn, chúng ta sẽ than mệt, than đau, thế là bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng nếu lúc đó chúng ta tự nhủ với bản thân: “Thôi kệ, đau một chút cũng ráng”, thì sau một thời gian, chắc chắn chúng ta sẽ tiến bộ. Bản thân tôi cũng từng trải qua điều này. Hồi trước, tôi tập ngồi thiền trong tư thế kiết già[4]. Ngồi được khoảng mười lăm phút thì chân bắt đầu đau, không còn niệm Phật được nữa mà toàn niệm “tê quá”, “đau quá”. Dù đau, tôi vẫn cố gắng chịu đựng. Qua một thời gian, tôi ngồi lên được hai mươi phút, nhưng tới phút thứ ba mươi chân lại bắt đầu đau. Tôi kiên trì, cố gắng chịu đựng để vượt qua từng cơn đau và tăng dần thời gian ngồi thiền. Bây giờ, tôi có thể ngồi từ một tiếng đến một tiếng rưỡi mà không đau chân là do quá trình vượt qua những cơn đau như thế. Muốn đạt kết quả cao thì bắt buộc chúng ta phải biết kham nhẫn, nếu không thì khó mà có thể tiến bộ được. Như vậy, ngược với pháp thứ ba là thọ dụng để đoạn trừ phiền não, ở pháp thứ tư này, đức Phật lại dạy chúng ta phải đoạn trừ phiền não bằng kham nhẫn. Giống như cây tre, muốn uốn được phải hơ qua lửa cho mềm dẻo; chúng ta muốn tiến bộ trên đường tu thì phải kham nhẫn để vượt qua những khó khăn, thử thách và đoạn trừ các phiền não trong tâm.