Diễn đàn làm Đẹp Tổng quan những vấn đề trong công việc ốp lát Bài này, người viết không có tham vọng đưa ra một thống kê tổng hợp về các loại vật liệu ốp lát, giới thiệu tính năng của chúng; hay nghiên cứu về kỹ thuật ốp lát; cũng như không đưa ra một nguyên tắc bất di bất dịch cho công việc này. Chúng tôi muốn đưa ra một cái nhìn khái quát từ đầu đến cuối ở nhiều góc độ có liên quan. Mỗi người sẽ có một cách nhìn, cách nghĩ và làm khác nhau. Chuyện “hoa mắt” với gạch ốp lát là đương nhiên. Đó cũng là một câu chuyện nghề! Khi xây nhà, giai đoạn hoàn thiện là giai đoạn khó khăn, phức tạp kiểu khác, mà kiến trúc sư là người thấu hiểu máy đánh bóng sàn bê tông hơn ai hết. Một trong những chuyện vẫn luôn gây nhức đầu và hoa mắt là chọn vật liệu ốp lát. Các sản phẩm mới liên tục ra đời với nhiều mẫu mã đẹp, kích thước linh hoạt, tính năng ưu việt. Các nguồn cung cấp cũng rất phong phú, từ những doanh nghiệp trong nước, liên doanh, các sản phẩm nhập trực tiếp từ nước ngoài với giá cả từ cao cấp đến bình dân. Khi công trình vào giai đoạn hoàn thiện, vấn đề chọn vật liệu ốp lát thường làm hoa mắt cả kiến trúc sư lẫn chủ nhà. Thông thường, kiến trúc sư là người quyết định các vật liệu ốp lát để đảm bảo tính năng sử dụng và phù hợp thẩm mỹ chung. Trong thực tế, vấn đề này khá quan trọng. Chọn đúng vật liệu, ngoài tiện ích về công năng, còn có thể tôn tạo không gian kiến trúc, và ngược lại. Bên cạnh đó, giải pháp ốp lát cũng như một bài toán thiết kế. Phải tính toán hướng ốp lát để đảm bảo cân đối, hài hoà, chẵn viên, liền mạch... không bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt với những bề mặt đan xen vật liệu khác nhau và kích thước viên khác nhau. Đã qua rồi thời kỳ hồ sơ thiết kế chỉ ghi trên mặt cắt là: “Lát gạch ceramic 300 x 300”, mà bây giờ, hầu như với tất cả công trình, bản vẽ mặt bằng, mặt cắt ốp lát là không thể thiếu. Điều đó hẳn làm cho chất lượng công trình được tốt hơn. Tuy nhiên, không phải cứ bản vẽ đủ, thể hiện kỹ và đủ thông tin là có thể ra được sản phẩm tốt. Chuyện “hoa mắt” vẫn là câu chuyện dài. Để có một cơ sở tốt cho khâu thiết kế, từ nguyên tắc và đặc tính vật liệu, kiến trúc sư mới tiến hành chọn mẫu (màu sắc, kích thước…). Không phải nhà cung cấp vật liệu nào cũng có đủ thông tin qua những catalogue để KTS tham khảo và chọn lựa, nhất là những vật liệu không sản xuất theo quy trình công nghiệp (vật liệu tự nhiên). Thêm nữa, cho dù có được các thông tin và hình ảnh qua tài liệu, thì việc được “tận mắt nhìn, tận tay sờ” vẫn không bao giờ thừa. Chủ nhà cũng không dễ hình dung qua các bản vẽ ốp lát mà họ cũng có nhu cầu y như vậy. Thế nên, chuyện kiến trúc sư và chủ nhà cùng nhau đi chọn vật liệu ốp lát là chuyện thường thấy. Khi ngôi nhà chưa thành hình, chủ nhà thường ít can thiệp; nhưng khi đã sang giai đoạn hoàn thiện, họ thường muốn đưa những ý kiến và sự lựa chọn vào. Đây thường là vấn đề xung đột với KTS. Đơn giản nhất là chuyện đã thiết kế theo một loại vật liệu này, nhưng chủ nhà đi xem và thích một loại khác. Những người bán hàng thì rất khéo chào mời và giới thiệu sản phẩm của họ. Có thể sản phẩm đó đẹp thật, tốt thật, nhưng có phù hợp với từng không gian và yêu cầu cụ thể hay không lại là chuyện khác. Đó là nỗi khổ của nhiều KTS khi buộc phải “dung dăng dung dẻ” với chủ nhà: nhẹ thì mất thời gian thuyết phục; nặng thì bất đồng, ảnh hưởng tới mối quan hệ và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng công trình. Không đi cùng thì không có sự đồng thuận, đi cùng thì hay phát sinh nhiều vấn đề khó kiểm soát. Nhiều văn phòng, công ty tư vấn cũng có vật liệu mẫu; nhưng số lượng, chủng loại vật liệu mẫu không thể so sánh với các trung tâm vật liệu xây dựng. Rồi chuyện chủ nhà không theo thiết kế mà tự chọn vật liệu ốp lát theo ý mình (họ tự cho mình quyền đó) rồi mua về bảo thợ làm, KTS thường chỉ biết than thở. Chưa hết, bản thân KTS cũng vấp phải rất nhiều khó khăn về vấn đề này, ngay cả khi đã đạt được sự đồng thuận với chủ nhà. Từ lúc thiết kế tới khi thi công ốp lát, nhanh cũng mất vài tháng, chậm có thể hàng năm. Không ai đảm bảo là những vật liệu sử dụng cho thiết kế sẽ còn khi thi công. Việc hết hàng, huỷ mẫu... của nhà cung cấp, nhà sản xuất là bình thường. Và KTS lại phải đi tìm một mẫu vật liệu tương tự khác; hay tệ hơn, thiết kế lại ốp lát ngay trong giai đoạn thi công. Lại một quy trình “hoa mắt” mới cùng chủ nhà. Tại sao phải ốp lát? Câu trả lời rất đơn giản, nhưng có lẽ cũng cần phải hiểu ở góc độ kỹ thuật một chút thì khi đi vào sâu vấn đề mới dễ dàng. Ốp và lát là việc tạo - phủ những bề mặt bằng vật liệu khác nhằm phù hợp với yêu cầu sử dụng, đặc tính kỹ thuật và nhu cầu thẩm mỹ. Với kiến trúc sư, hay chủ nhà cũng vậy, khi chọn lựa vật liệu ốp lát cho công trình, phải căn cứ vào một số nguyên tắc nhất định để đảm bảo tính hợp lý và không bị “hoa mắt” giữa các chủng loại vật liệu trên thị trường. Tuy nhiên, các nguyên tắc này khi vận dụng cũng hết sức linh hoạt. Tạm tổng kết các nguyên tắc như sau: Đúng tính năng sử dụng: Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên. Dù là vật liệu có hình thức, màu sắc như thế nào thì phải đúng tính năng sử dụng của không gian đó. Tuỳ theo yêu cầu công năng đặc thù của không gian, khu vực đó mà chọn vật liệu phù hợp. Ví dụ: ốp tường vệ sinh phải đảm bảo yêu cầu chống thấm, dễ cọ rửa; sàn vệ sinh phải chống thấm, chống trơn - trượt, sân phải có khả năng chịu lực tốt, chống trơn... Tương đồng với không gian kiến trúc: Kiến trúc sư là người nắm rõ nhất điều này để đề xuất những loại vật liệu phù hợp, đưa ra giải pháp ốp lát tốt về hướng nhìn; nội dung, ý tưởng thể hiện trên bề mặt (nếu có). Cái đẹp phải là hài hoà. Một loại gạch đẹp nhưng đưa vào bề mặt, vào không gian cụ thể chưa chắc đã đẹp. Gạch đắt tiền cũng không làm nên cái đẹp. Ví dụ: các không gian, các khu vực cần sáng sủa, hoặc thiếu sáng không nên dùng gạch tối màu, không gian trang nghiêm như phòng thờ có thể lát đăng đối với màu trầm, không gian phòng trẻ em có thể lát tự do, màu sắc trẻ trung... Các không gian ngoại thất như sân vườn nên sử dụng các loại vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, màu trung tính như đá, gạch gốm… Tỷ lệ hài hoà: Vật liệu ốp lát phải có tỷ lệ hài hoà với không gian và diện tích ốp lát. Với những không gian nhỏ như phòng vệ sinh, không nên chọn những vật liệu có kích thước quá lớn. Vật liệu có kích thước lớn gây cảm giác không thuận về thị giác mà còn làm cho việc phải cắt viên do không chẵn gây mất thẩm mỹ. Với những diện lớn thì không nên dùng gạch - đá có kích thước nhỏ, gây “nát” bề mặt và khó làm phẳng mặt do có quá nhiều mạch. Khai thác đúng đặc tính cơ lý vật liệu: Mỗi loại vật liệu có những đặc tính cơ lý, cấu trúc khác nhau. Hiểu và khai thác đúng những đặc tính đó sẽ làm những khu vực ốp lát có chất lượng và thẩm mỹ; khai thác được những ưu điểm, tránh được nhược điểm của mỗi loại vật liệu. Ví dụ: đá granite có tính đồng chất cao, kết cấu chắc, không có thớ... nên ưu tiên sử dụng cho những chỗ nền, sàn, mặt thao tác dễ va đập, chịu lực... như mặt bậc, bậu cửa, mặt bếp...; các loại đá có vân thớ, dễ nứt vỡ chỉ nên ốp tường, không nên lát sàn; gỗ không nên lát ở sàn tầng trệt và các khu vực có nguy cơ ngấm nước... Các khu vực ngoài trời phải sử dụng những loại vật liệu bền trước tác động môi trường hơn là ở trong nhà... Phù hợp phong thuỷ và tâm lý của chủ nhà: Đây là nguyên tắc khá… linh hoạt và đòi hỏi KTS phải có kiến thức tổng hợp nhất định ngoài các kiến thức mang tính kỹ thuật như trên đề cập. Mỗi loại vật liệu có một ảnh hưởng nhất định tới không gian và tâm lý con người. Chọn vật liệu phù hợp dẫu theo nguyên tắc nào cũng vẫn phải hướng tới sự thoải mái cho người sử dụng. Nắm bắt được điều đó, ngoài sự hiểu biết còn cần cả sự nhạy cảm của người làm tư vấn. Không phải ngẫu nhiên mà gỗ luôn là ưu tiên số một cho vật liệu sàn nhà ở, bởi gỗ (thuộc hành mộc) có tính dương so với các loại vật liệu gạch đá (thuộc hành thổ) khác. Gỗ cho cảm giác ôn hoà, ấm áp, rất phù hợp với nhà ở. Cũng tương tự, trong nội thất không nên sử dụng quá nhiều đá, vì đá cho cảm giác lạnh lẽo. Hiểu rõ các vấn đề liên quan đến chủ nhân ngôi nhà và ngôi nhà (tuổi tác, mệnh, hướng…) để đưa các loại vật liệu phù hợp cũng là một nguyên tắc cần coi trọng.